ĐÂU LÀ HƯỚNG ĐI MỚI TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP?
Kinh tế tuần hoàn là một trong những nội dung được quan tâm nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình thúc đẩy kinh tế nông nghiệp. Đây đang là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam.
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình khác thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý.
Nhờ đó sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường.
Xu hướng phát triển tất yếu
Hiện nay, kinh tế tuần hoàn là một trong những nội dung được quan tâm nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và tận dụng phế phẩm nông nghiệp như là một nguồn lợi để gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp, giúp tăng tu nhập của nông dân.
Phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng tất yếu, cần được đẩy mạnh hơn nữa để tiếp tục gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp, đưa nguồn phụ phẩm nông nghiệp ngày càng trở thành nguồn nguyên liệu có giá trị và đặc biệt là hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Diễn đàn Khuyến nông & Nông nghiệp tại Bắc Ninh
Những kết quả đầy khích lệ
Nhiều trang trại tại các tỉnh thành khắp Việt Nam đã triển khai thành công mô hình, thu về nhiều lợi ích đầy khích lệ.
Tại Tiền Giang, nhiều mô hình, giải pháp hướng tới sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn bền vững như: Áp dụng quy trình sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm“ trong sản xuất lúa; quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng; sản xuất theo GAP, ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; công trình khí sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi…
Một ví dụ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn đến từ mô hình sản xuất tại các trang trại của GC Food Group, Ninh Thuận. Các trang trại đã áp dụng hiệu quả mô hình nông nghiệp tuần hoàn là trang trại VietFarm, trang trại Nắng và Gió… Để không lãng phí, tất cả vỏ, bẹ nha đam từ nhà máy được thu gom, ủ men vi sinh, phối trộn cùng phân gia súc để tạo ra phân hữu cơ bón cho vùng nha đam nguyên liệu, vườn nho, vườn táo và cả đồng cỏ để nuôi bò và cừu.
Các trang trại của GC Food Group tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp từ cây nha đam làm phân bón
Với diện tích khoảng 6.000m2 tại phường Đại Mỗ quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, trang trại Apollo có thể gọi là trang trại trại nhỏ phát triển ven đô thị. Để phát triển, trang trại này đã thay đổi theo xu hướng kinh tế tuần hoàn. Trước đây, nước thải của nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường được thải trực tiếp ra sông, thì nay, trang trại này đã thu gom lại ủ với men vi sinh. Từ chỗ có hại cho môi trường thì giờ đây, chất thải đã trở thành nguyên liệu quý giá để nuôi giun. Ông Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc kỹ thuật trang trai Apollo cho biết “Hiệu quả thứ nhất của mô hình này đã xử lý triệt để các chất thải có tác động xấu đến môi trường xung quanh. Hiệu quả thứ hai là các con vật nuôi được ăn sản phẩm hữu cơ và các chế phẩm sinh học hữu cơ”.
Có thể thấy, mô hình nông nghiệp tuần hoàn góp phần tạo ra hệ sinh thái khép kín. Phát triển nông nghiệp tuần hoàn chính là hướng đi mới trong bối cảnh giá cả tăng cao như hiện nay.
————————–
Box thông tin:
Vietstock 2023 – triển lãm chuyên ngành Chăn nuôi, Thức ăn Chăn nuôi, Thủy sản và Chế biến Thịt hàng đầu Việt Nam. Để biết thêm thông tin chi tiết, Quý vị vui lòng liên hệ Ban tổ chức:
- Trang – [email protected]
- Phương – [email protected] (Hỗ trợ đăng ký theo đoàn)
- Tel: (+84) 28 3622 2588