Dư địa cho gạo Việt Nam vào thị trường ASEAN

  09/05/2022

“Gạo Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu vào thị trường ASEAN”- đó là nhận định chung được đưa ra tại phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN.

Thu hoạch lúa tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: An Hiếu – TTXVN

“Gạo Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu vào thị trường ASEAN”- đó là nhận định chung được đưa ra tại phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại ASEAN và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang đồng tổ chức ngày 5/5 tại tỉnh An Giang – một trong những vựa lúa nhất của Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), ASEAN là thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân. Người dân ASEAN có nhiều nét tương đồng về lối sống, văn hóa và sinh hoạt, đặc biệt khoảng cách địa lý gần với Việt Nam.

Do đó, các chuyên gia đánh giá dư địa để tăng trưởng xuất khẩu của nhiều loại hàng hóa Việt Nam sang khu vực ASEAN còn rất lớn; trong đó có mặt hàng gạo. Những năm qua, gạo là mặt hàng nông sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN.

Thông qua phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN được tổ chức trực tiếp tại An Giang, đồng thời kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và phổ biến trên fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại với sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam đóng trên địa bàn tỉnh An Giang và cả nước.

Qua đó, tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN như: nhu cầu thị trường, yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu…

Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ tại phiên tư vấn. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Tại phiên tư vấn, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và nông sản trên địa bàn tỉnh An Giang và cả nước sẽ được đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước trong khu vực ASEAN như: Indonesia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan,… thông tin về tình hình thị trường gạo và các cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi tiếp cận các thị trường này.

Bên cạnh đó, phiên tư vấn cũng sẽ dành thời gian để tư vấn trực tiếp các vấn đề cụ thể của các doanh nghiệp liên quan đến việc phát triển xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang các nước ASEAN.

Theo báo cáo của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong số các nước ASEAN, sản phẩm lúa gạo của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Philippines. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, kim ngạch trên 1,25 tỷ USD, giá trung bình 509,7 USD/tấn, tăng 10,7% về lượng, tăng 18,5% về kim ngạch và tăng 7,1% về giá so với năm 2020, chiếm 39,4% trong tổng lượng và chiếm 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Quý I/2022, Philippines tiếp tục đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,7% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 672.136 tấn, tương đương 311,08 triệu USD, giá trung bình 462,8 USD/tấn, tăng mạnh 63,3% về lượng, tăng 41,4% về kim ngạch.

Ngoài Philippines, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác trong ASEAN như: Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei… Đặc biệt, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia trong tháng 1/2022 tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch so với tháng 12/2021, với mức tăng tương ứng 163,4% và 156%; so với tháng 1/2021 cũng tăng mạnh 104% về khối lượng và tăng 67,5% về kim ngạch, đạt 34.925 tấn, tương đương 16,07 triệu USD.

Bà Trần Lê Dung, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho cho biết, gạo được xem là thực phẩm chính của người dân Malaysia, nên đây là một thị trường rất tiềm năng đối với gạo của Việt Nam. Không những vậy, khi gạo Việt Nam có mặt và chiếm lĩnh được vị thế tại thị trường Malaysia, thì sẽ rất dễ dàng tiếp cận thị trường các nước Trung Đông rộng lớn và giàu có.

Tuy nhiên, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu gạo sang Malaysia cần xây tập trung đưa các sản phẩm gạo mang thương hiệu gạo riêng của doanh nghiệp Việt Nam, tránh xuất khẩu thô cho các doanh nghiệp Malaysia đóng gói và “khoác thương hiệu” của doanh nghiệp nước sở tại.

Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn. Ảnh: TTXVN/phát

Theo bà Trần Lê Dung, hiện nay, thu nhập của người dân Malaysia đang ở mức khá, nhu cầu về gạo cấp cao của Việt Nam là có nhưng công tác truyền thông, xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường này còn hạn chế. Các thương hiệu gạo của Việt Nam xuất hiện chưa nhiều, cũng như người dân Malaysia ít biết đến các sản phẩm mang thương hiệu gạo Việt Nam,…

“Không chỉ đối với gạo tẻ, gạo hạt dài, gạo thơm chất lượng cao mà gạo nếp cũng rất được ưa chuộng ở Malaysia. Từ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần có chiến lược trong marketing, xúc tiến thương mại,… để đưa các sản phẩm gạo của các doanh nghiệp Việt Nam đến gần hơn với người dân Malaysia” – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia Trần Lê Dung chia sẻ.

Cùng nhận định với Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia cho rằng, dư địa xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường ASEAN nói chung và Indonesia là rất lớn nếu như biết tận dụng cơ hội và làm tốt công tác xúc tiến thương mại.

Ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia cho biết, Indonesia là thị trường có quy mô dân số đứng thứ 4 trên thế giới, có nhu cầu lớn về mặt hàng nông sản, nhất là gạo. Tuy nhiên, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia chủ yếu là gạo trắng phẩm cấp thường, độ tấm từ 20-25% và cạnh tranh chủ yếu bằng giá. Về mặt chiến lược, ngành gạo của Việt Nam đang giảm dần sản xuất và xuất khẩu các loại gạo trắng thường, nên không thể cạnh tranh về giá với các nước chuyên sản xuất gạo giá rẻ như Myanmar, Pakistan và Ấn Độ.

Những năm trước, lúa chất lượng cao chỉ chiếm từ 35%-40% trong cơ cấu sản xuất lúa gạo, nhưng đến năm 2020 con số này đã đạt từ 75-80%. Việc này đã đưa giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên rất nhanh trong vài năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2020.

Cũng theo bà Nguyễn Thu Thủy, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Mục tiêu xuất khẩu gạo của cả nước cũng đã được điều chỉnh, đến năm 2030, dự kiến chỉ còn khoảng 4 triệu tấn.

“Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo sang ASEAN, ngành gạo nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam nói riêng cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường trong ASEAN, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm… để có kế hoạch kinh doanh, xúc tiến thương mại và xuất khẩu hiệu quả nhất”, bà Nguyễn Thu Thủy lưu ý.

Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tận dụng tối đa các chính sách thương mại với các nước trong khu vực, nhất là những lợi thế của các FTA giữa ASEAN với các đối tác trên thế giới. Đồng thời, tiếp tục cải thiện trình độ công nghệ nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, tăng cường thương mại dịch vụ và đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam./.

Nguồn: bnews.vn

×

FanPage

Vietstock Vietnam