Lối ra cho doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện môi trường
TP.HCM sẽ xây dựng quy định về tái chế, xử lý chất thải nhựa cho từng loại hình sản xuất, kinh doanh, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của TP.
UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, TP đưa ra nhiều phương án nhằm tăng cường thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học bằng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, trên thực tế khi triển khai, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường đã gặp nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Khó thay đổi thói quen sử dụng của người dân
Những sản phẩm thân thiện với môi trường như túi tự hủy đã có mặt trên thị trường nhiều năm qua nhưng hiện nay người dân chưa sử dụng nhiều. Do đó, đầu ra của sản phẩm vẫn còn hạn chế, DN sản xuất mặt hàng này vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển.
Ông Nguyễn Châu Long, Giám đốc Công ty cổ phần Thiên Kim An (DN sản xuất bao bì nhựa phân hủy sinh học), chia sẻ: Hiện nay, việc đưa sản phẩm thân thiện với môi trường ra thị trường còn tồn tại một số khó khăn. Cụ thể, nhiều người chưa thấy hết tầm quan trọng của việc thay thế túi nylon bằng túi sinh học. Ngoài ra, hiện nay người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là sản phẩm thân thiện với môi trường, đâu là sản phẩm gây hại cho môi trường.
“Cạnh tranh lớn giữa hai loại hình sản phẩm là giá thành. Hiện nay, thuế bảo vệ môi trường cho sản phẩm bao bì nhựa khó phân hủy sinh học là 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, gần như ít có cơ sở hay DN nào chịu nộp thuế này, làm cho giá bao bì khó phân hủy sinh học vẫn ở mức thấp. Do đó, chênh lệch giữa bao bì thân thiện với môi trường và bao bì khó phân hủy sinh học thường rất cao, khó cạnh tranh” – ông Long chia sẻ.
Bà Phan Thị Thúy Phượng, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-XNK bao bì thân thiện môi trường Phương Lan, cũng cho biết một khó khăn lớn mà người dân chưa sử dụng rộng rãi sản phẩm thân thiện với môi trường là do chênh lệch giá cả.
Chính vì vậy, bà Phượng kiến nghị cơ quan chức năng nên có chính sách ưu đãi những DN sản xuất và người tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn, hỗ trợ các DN chuyển đổi mô hình sản xuất từ sản phẩm truyền thống sang sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bà Phượng cũng kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu ban hành các loại thuế thu từ người sử dụng trực tiếp và gián tiếp túi nylon truyền thống. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động đóng thuế bảo vệ môi trường của các DN sản xuất túi nylon truyền thống.
Sẽ quy định hạn chế đồ nhựa dùng một lần
Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng quản lý, nhập khẩu, sản xuất, thu thuế… đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học, sản phẩm thân thiện với môi trường trên địa bàn.
Đồng thời, TP.HCM sẽ xây dựng, hoàn thiện và triển khai chính sách, quy định theo chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với các sản phẩm nói trên.
Trong đó, TP sẽ hạn chế sản xuất, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Đồng thời có chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.
TP sẽ có lộ trình tăng thuế bảo vệ môi trường cho bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và bổ sung thuế bảo vệ môi trường cho sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
TP cũng sẽ rà soát, xây dựng quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa cho từng loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành, điều kiện thực tế của TP. Đồng thời ban hành và thực hiện quy định, quy chế trong cơ quan, văn phòng, cơ sở để hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học trong tổ chức sự kiện và hoạt động hằng ngày.
TP.HCM sẽ dừng sản xuất, nhập khẩu đồ nhựa dùng một lần
Theo kế hoạch, TP.HCM tiếp tục duy trì việc sử dụng 100% sản phẩm thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.
Phấn đấu đến năm 2023, TP giảm sử dụng 65% sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học của các tiểu thương tại các chợ dân sinh trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho người tiêu dùng. Tại các khách sạn, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch và các khu/điểm tham quan du lịch, 100% không sử dụng loại sản phẩm này.
Chỉ tiêu đến năm 2030, TP hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học trên toàn TP. Cạnh đó, TP sẽ dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa…
Nguồn: plo.vn